Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, đã trở thành quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới về hàng hóa trong những năm kinh tế tăng trưởng nhanh. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất toàn cầu, trong đó có các nhà sản xuất dầu khí xác định chiến lượng tăng trưởng của mình trên cơ sở thị trường tiêu dùng Trung Quốc.
Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến sự phụ thuộc này trở nên “lung lay” và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, trong đó phần lớn dầu thô đến từ các nguồn nhập khẩu. Nước này cũng là quốc gia nhập khẩu LNG lớn thứ hai trên thế giới. Điều này biến Trung Quốc trở thành trung tâm cho các chiến lược phát triển ngành dầu khí thế giới. Trong mọi dự báo về nhu cầu dầu khí, thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung chắc chắn được coi là động cơ tăng trưởng trong tương lai. Đại dịch Covid-19 cũng không làm thay đổi điều đó.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ không mạnh mẽ như những dự báo của giới phân tích trước khủng hoảng đại dịch, thậm chí có thể bị chững lại và gây rủi ro lớn cho các kế hoạch ngắn hạn của nhiều nhà sản xuất dầu khí. Trung Quốc đã hấp thụ hàng triệu thùng dầu khi giá dầu sụp đổ trong giai đoạn từ tháng 3 – 5. Và có thể nói rằng, nếu không có Trung Quốc, giá dầu thế giới chắc chắn sẽ giảm xuống mức thấp hơn nữa. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trữ dầu của Trung Quốc không phải là những “thùng không đáy”. Khi các bể chứa trên thế giới bị lấp đầy dầu, chưa tiêu thụ được thì điều tương tự cũng đang xảy ra ở Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi là nước này có thể tiếp tục hấp thụ nguồn cung dư thừa trong bao lâu.
Trung Quốc đang nhập khẩu rất nhiều dầu
Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Dữ liệu mới nhất cho thấy, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng trong tháng 7, mặc dù giảm 3% so với tháng 6. Ngoài ra, có thông tin cho rằng, các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đã lệnh cho các tàu chở dầu cỡ lớn nhập khẩu ít nhất 20 triệu thùng dầu thô của Mỹ trong tháng 8 và tháng 9 tới.
Việc Trung Quốc liên tục tăng nhập khẩu dầu thô là một tín hiệu tích cực đối với thị trường nhưng luôn kèm theo rủi ro. Theo Bloomberg đưa tin vào tháng 7, Trung Quốc đã bắt đầu bán dầu thô (đã mua với giá rất rẻ vào mùa xuân) từ các cơ sở lưu trữ của mình. Bây giờ, thông tin này có thể làm rung chuyển các thị trường toàn cầu. Mặc dù doanh số bán ra khó có thể được gọi là sự khởi đầu của một xu hướng, nhưng chúng đại diện cho một sự kiện bất ngờ trong ngành dầu khí. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ không mua dầu với tốc độ này mãi mãi. Nước này có thể tận dụng lợi thế giá cao hơn và bán lại dầu thô để cạnh tranh với những nhà xuất khẩu khác.
Theo The Wall Street Journal, đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng dầu của Trung Quốc. Trong vài tuần trở lại đây xuất hiện nhiều tàu chở dầu đang neo đậu tại các cảng, chờ dỡ hàng. Theo giới thương nhân, có ít nhất 80 tàu chở dầu và hơn một nửa trong số đó là các tàu VLCC có dung tích chứa 2 triệu thùng/tàu đang neo đậu chờ dỡ hàng. Điều này cho thấy, có vẻ như các công ty nhập khẩu dầu của Trung Quốc không còn chỗ chứa nguồn nhiên liệu nhập khẩu mà họ đã đặt hàng từ đầu năm với hy vọng giá dầu sẽ tăng vọt.
Trung Quốc không thể hấp thụ tất cả lượng dầu nhập khẩu
Hãng phân tích OilX cho biết, sự tăng trưởng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong những tháng gần đây là dấu hiệu lạc quan cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quá nhanh khiến giới thị trường hoài nghi về khả năng kho vận của các cảng dầu tại Trung Quốc.
Trên thực tế, nhu cầu dầu của Trung Quốc nhanh chóng tăng trở lại về mức 90% trước khủng hoảng. Nhưng sau đó tăng trưởng bắt đầu chậm lại do người dân vẫn chưa sẵn sàng gia tăng chi tiêu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn trong khi chi tiêu của người dân là một trong những chỉ số quan trọng của bất kỳ quá trình phục hồi kinh tế nào. Do đó, việc người Trung Quốc miễn cưỡng chi tiền được coi là nguy cơ giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Ngoài ra, công suất lưu trữ xăng dầu của Trung Quốc trước khủng hoảng cũng đã ở mức cao.
Về mặt tích cực, một số dự báo cho rằng, chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc để kích thích nền kinh tế sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, ít nhất là đối với dầu diesel trong năm nay. Liệu điều này có đủ để duy trì tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc mạnh như trong nửa đầu năm nay?
Do đó, một trong những điểm yếu của thế giới hiện đại là sự phụ thuộc lớn của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu vào một nguồn tăng trưởng nhu cầu duy nhất. Trên thực tế, các nhà xuất khẩu dầu đã “đặt hầu hết trứng vào trong giỏ” châu Á và điều này đã gây ra những hậu quả khó lường. Trên thực tế, nhu cầu về dầu đã giảm ở khắp thế giới, không chỉ ở châu Á, song vấn đề tiêu thụ dầu ở châu Á, nhất là tại Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro rất cao đối với thị trường.
Không thể sao chép