Simon Watkins của Oilprice cho biết Tehran tuần trước đã công bố một loạt các sáng kiến nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất – vận chuyển – xuất khẩu cho dòng dầu từ tây Karoun.
Các mỏ ở tây Karoun tổng cộng chứa ít nhất 67 tỷ thùng dầu với tỉ lệ thu hồi trung bình hiện chỉ khoảng 4,5% (so với hơn 50% tại các mỏ dầu tương tự ở Ả Rập Xê Út). Đây là một trong 3 ưu tiên chính đối với Iran là tăng sản lượng dầu thô và xuất khẩu từ cụm mỏ dầu khổng lồ tây Karoun.
Để bắt đầu, giai đoạn đầu tiên của chuỗi vận chuyển dầu của các mỏ dầu tây Karoun có công suất 460.000 thùng/ngày (bpd) dầu thô nặng và 254.000 thùng/ngày dầu thô nhẹ đến các cảng xuất đã chính thức được đưa vào hoạt động. Giai đoạn 2 của dự án sẽ sản xuất hơn 1 triệu thùng dầu thô từ cụm mỏ dầu tây Karoun đến các cảng xuất.
Cùng lúc đó, sản xuất van cổng 42 inch tương thích với dầu chua được đưa vào đường ống vận chuyển dầu thô từ Goreh, Shoaybiyeh-ye Gharbi của tỉnh Khuzestan, tới cảng Jask, thuộc tỉnh Hormozgan trên Vịnh Oman, hiện đang được tiến hành. Các thiết bị liên quan cho đường ống hiện đang được sản xuất trong nước để đảm bảo không xảy ra chậm trễ do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Tổng thể đường ống Goreh-Jask bao gồm việc xây dựng một đường ống chính dài khoảng 1.000 km, gồm 6 đường ống nhỏ, 5 nhà máy bơm, 3 trạm tiếp nhận, 10 trạm phát điện, 400 km đường truyền trong đó bao gồm đường ống dẫn dưới biển và một bồn chứa.
Khi đến Jask, dầu sẽ được lưu trữ trong 20 bồn chứa, mỗi bồn chứa có khả năng chứa 500.000 thùng dầu, trong giai đoạn đầu (tổng cộng 10 triệu thùng) để sau này được tải lên các tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC) đi từ Vịnh Oman, vào Biển Ả Rập và sau đó vào Ấn Độ Dương. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng lên tổng công suất lưu trữ là 30 triệu thùng. Các VLCC này sẽ được bố trí trong các cơ sở vận tải biển trị giá khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn đầu, với kế hoạch là mở rộng công suất để cho phép vận chuyển thường xuyên hơn nữa các sản phẩm phụ trợ dầu mỏ và hóa dầu có nhu cầu cụ thể ở châu Á.
Đường ống 42 inch này rất quan trọng đối với Iran trong việc tiếp tục lách các lệnh trừng phạt do Mỹ nhằm vào nước này và mở rộng cơ sở khách hàng ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Mô hình hậu cần mà Iran có không bền vững trong hoàn cảnh hiện nay, với khoảng 90% tổng lượng dầu xuất khẩu của họ hiện đang được vận chuyển tại đảo Kharg – với hầu hết các chuyến còn lại đi qua các bến cảng ở Lavan và Sirri – trở thành mục tiêu quá rõ đối với Mỹ và đồng minh đang muốn làm tê liệt ngành dầu mỏ của Iran.
Bị công chúng ở Iran phản đối do chậm trễ thực hiện thỏa thuận 25 năm đã ký, Trung Quốc buộc phải quay trở lại phát triển các mỏ ở tây Karoun, nhất là Sinopec và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Trên thực tế, Trung Quốc vẫn tham gia nhưng sử dụng vỏ bọc cho các hợp đồng riêng của từng công việc cụ thể. Hình thức này gần đây được sử dụng để che giấu sự tham gia của Trung Quốc vào các mỏ nam Azadegan và Yaran (bắc và nam) trong cụm mỏ dầu tây Karoun.
Không thể sao chép