Bất chấp việc các quốc gia mở rộng quy mô tiêm chủng vắc-xin, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Điều này làm dấy lên lo ngại về triển vọng cải thiện tiêu thụ dầu thô thời gian tới, qua đó kéo giá xăng dầu hôm nay đi xuống.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 21/1, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2021 đứng ở mức 53,01 USD/thùng, giảm 0,30 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 20/1, giá dầu WTI giao tháng 3/2021 cũng đã giảm 0,14 USD/Ounce.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2021 đứng ở mức 55,85 USD/thùng, giảm 0,23 USD/thùng trong phiên và cũng đã giảm 0,14 USD/Ounce so với cùng thời điểm ngày 20/1.
Giá dầu ngày 21/1 quay đầu giảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp bất chấp việc nhiều nước đẩy mạnh, mở rộng việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Trong diễn biến mới nhất, biến thể virus SARS-CoV-2 được ghi nhận đã lây lan ra 50 nước và biến thể xuất hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện ở 23 nước.
Bắc Kinh (Trung Quốc) mới đây được cho là đã ghi nhận 1 ca nhiễm Covid-19 mới.
Trước đó, một loạt các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… đều đã triển khai các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
Với những diễn biến như trên, triển vọng phục hồi kinh tế thực sự đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn, đồng nghĩa với khả năng cải thiện nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô sẽ rất khó khăn, và điều này đã kéo giá dầu hôm nay đi xuống.
Ở diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 19/1 đã hạ mức dự báo về sự phục hồi của nhu cầu trong năm nay bất chấp việc thị trường đang đứng trên những trụ đỡ cơ bản vững chắc hơn so với năm trước nhờ vắc-xin chống Covid-19.
“Việc triển khai vắc-xin trên toàn cầu đã đặt nền móng vững chắc hơn trong năm nay cho mức tăng trưởng của cả cung và cầu sau sự sụp đổ chưa từng có trong năm 2020”, IEA cho biết trong báo cáo hằng tháng về dầu được phát hành ngày 19/1.
Theo IEA, nhu cầu toàn cầu hiện dự kiến sẽ phục hồi 5,5 triệu thùng/ngày trong năm 2021 lên mức 96,6 triệu thùng/ngày sau khi giảm 8,8 triệu thùng/ngày vào năm ngoái.
IEA cũng tin rằng giá dầu cao hơn có thể thúc đẩy ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tăng sản lượng nhưng hiện các công ty dường như muốn duy trì mức hiện tại, ưu tiên trả nợ hoặc hồi vốn cho các nhà đầu tư. IEA dự đoán: “Nếu họ tuân thủ các kế hoạch này, OPEC+ có thể bắt đầu khôi phục lại thị phần đã mất vào tay các nhà sản xuất Hoa Kỳ và các nước khác kể từ năm 2016”.
Tuy nhiên, giá xăng dầu hôm nay cũng tiếp tục được hỗ trợ bởi loạt thông tin tích cực từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Theo dữ liệu được công bố ngày 18/1 thì sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong năm 2020 đã đạt mức kỷ lục, tăng hơn 3% so với năm 2019. Cụ thể, sản lượng lọc dầu năm 2020 của Trung Quốc là 674,41 triệu tấn, tương đương khoảng 13,45 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 410.000 thùng/ngày so với năm 2019.
Tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2020 của Trung Quốc đạt mức 6,5%, cao hơn nhiều mức tăng 4,9% trong quý trước đó.
Bà Janet Yellen, người được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, được cho là đã đề cập với Thượng viện Mỹ việc chính phủ phải có “hành đồng lớn” với gói cứu trợ Covid-19 lớn để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 15.948 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 16.930 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 12.647 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 11.558 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 12.272 đồng/kg.
Không thể sao chép