Trở lại danh sách tin tức

OPEC++ sẽ tồn tại trong năm 2021 nữa hay không?

Nguồn

Theo Oilcapital, “sự kiện khó xảy ra nhất” có thể xảy ra trong năm nay là việc Nga rút khỏi thỏa thuận OPEC++.

Bài học từ mùa xuân năm 2020 cho thấy, lựa chọn này không thật sự đáng kinh ngạc. Viện Phát triển công nghệ nhiên liệu và năng lượng IRTTEK của Nga phân tích những điều kiện tiên quyết về mặt lý thuyết có thể dẫn đến sự sụp đổ của thỏa thuận này và những hậu quả mà nó có thể gây ra cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Từ lâu, việc OPEC thao túng hạn ngạch sản xuất đã là một công cụ quản lý giá hiệu quả. Những thông báo thay đổi dù chỉ một chút giảm hoặc tăng của khối cũng đủ để thay đổi hành vi của những người giao dịch trên thị trường.

Mọi thứ đã thay đổi khi cuộc “cách mạng đá phiến” bắt đầu tại Mỹ vào giữa năm 2010 và dẫn đến sự xuất hiện bổ sung một lượng dầu thô đáng kể trên thị trường. Vào thời điểm đó, thị trường đã tràn ngập dầu theo đúng nghĩa đen. Sau làn sóng tăng giá bắt đầu từ năm 2002 và chỉ bị gián đoạn một thời gian ngắn bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sản lượng của OPEC đã đạt đỉnh 34 triệu thùng/ngày. Thị trường quá nóng đã phản ứng ngay lập tức với sự suy giảm. Hiệu ứng này tăng nhanh sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 từ 3,4% xuống 3,3%. Báo cáo của IEA được công bố vào ngày 11/9/2014, giá dầu Brent sụt giảm xuống dưới 90 USD/thùng. Đến ngày 14/10/2014, IEA một lần nữa hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu xuống còn 92,4 triệu thùng/ngày với triển vọng tăng lên 93,25 triệu thùng/ngày trong năm 2015. Tại phiên giao dịch ngày 12/11/2014, giá dầu Brent đã giảm xuống dưới 80 USD/thùng. Tính đến cuối năm 2014, báo giá dầu Brent sụt giảm tới 51% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 55,27 USD/thùng và tiếp tục đà giảm sau kỳ nghỉ năm mới xuống dưới 50 USD/thùng. Sau đó, giá dầu Brent tạm thời phục hồi ở mức 50 USD/thùng (01/02/2015) và giao động ở mức 55-60 USD/thùng.

Đến tháng 8/2015, giá dầu Brent giảm xuống dưới 45 USD/thùng và giao động trong khoảng 45-48 USD/thùng trong quý IV/2015.

Trong suốt khoảng thời gian đó, OPEC đã bằng lòng với vai trò của một bên quan sát thụ động. Chỉ trong tháng 11/2016, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, các nước thành viên OPEC mới đồng ý cắt giảm sản lượng. Điều này xảy ra sau một năm đàm phán tích cực và thông qua thỏa thuận. Nga từ chối gia nhập OPEC dù nhận được những lời đề nghị, xong vẫn giữ vai trò quan sát viên. Thỏa thuận OPEC+ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, quy định giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày. Lần đầu tiên trong lịch sử, trách nhiệm giảm sản lượng không chỉ trong OPEC mà còn có sự tham gia của 10 nước ngoài OPEC gồm: Azerbaijan, Bahrain, Brunei, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Nga, Sudan và Nam Sudan.

Nhiệm vụ chính của thỏa thuận OPEC+ đầu tiên là loại bỏ các nhà sản xuất dầu đá phiến ra khỏi thị trường và đã có lúc thành công trong một số thời điểm. Tuy nhiên, như các nhà phân tích lưu ý, các nhà sản xuất đá phiến Mỹ đã nhanh chóng thích nghi với việc giá dầu ở mức thấp, tích cực giảm chi phí khai thác. Sau một thời gian ngắn sụt giảm, sản xuất của Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Đến năm 2018, Mỹ đã vượt Nga đứng đầu về sản xuất dầu. Đến năm 2019, quốc gia này lần đầu tiên xuất khẩu ròng dầu thô kể từ năm 1940. Theo đánh giá của Bloomberg, việc Mỹ trở lại vị thế xuất khẩu ròng là một lời nhắc nhở đối với thị trường về việc ngành công nghiệp dầu mỏ có thể gây bất ngờ như thế nào. Trong trường hợp này là cuộc cách mạng dầu đá phiến đang khiến giá dầu, dòng chảy sản xuất và thương mại đảo lộn.

Từ OPEC+ đến OPEC++

Tháng 12/2019, các nước trong liên minh OPEC+ đã thông qua một đợt cắt giảm sản lượng khai thác mới. Trong giai đoạn quý I/2020, liên minh sẽ giảm 1,7 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 10/2018. Theo đó, Nga và KSA sẽ cắt giảm nhiều nhất, lần lượt là 300.000 thùng/ngày và 482.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch đều bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ra “sự đóng cửa khẩn cấp” của nền kinh tế toàn cầu. Các đợt đóng cửa kinh tế hàng loạt đã gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu dầu. Trong tháng 4/2020, mức sụt giảm lên tới 30 triệu thùng/ngày, tức gần bằng sản lượng hàng ngày của tất cả các nước OPEC cộng lại. Cũng tại thời điểm đầu năm, chưa ai đánh giá được hết quy mô của vấn đề. OPEC do KSA dẫn đầu đã đề xuất cắt giảm sản lượng thêm 1,2 triệu thùng/ngày. Nga đặc biệt phản đối, nhất là từ phía Rosneft. OPEC+ sẽ phải nhượng bộ thị trường của chính mình, loại bỏ dầu giá rẻ của Nga và KSA để nhường chỗ cho dầu đá phiến đắt tiền của Mỹ, đồng thời đảm bảo hiệu quả sản xuất của họ.

Ngày 05/3/2020 – ngày thứ hai của cuộc đàm phán về sửa đổi hạn ngạch, phái đoàn Nga đã rời khỏi phòng đàm phán. Bước sang ngày 06/3, OPEC thông báo thỏa thuận OPEC+ sẽ hết hiệu lực vào 31/3, đánh dấu sự sụp đổ của liên minh. Sau cuộc đàm phán không thành công, ông Alexander Novak cho biết phía Nga đã đề xuất gia hạn thỏa thuận về các điều khoản hiện tại ít nhất đến cuối quý II/2020 nhằm hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ. Mặc dù vậy, các đối tác OPEC đã đưa ra quyết định tăng sản lượng khai thác dầu và tranh giành thị phần.

Tin tức này gây bất ngờ cho thị trường, báo giá dầu giảm mạnh và nhanh chóng chuyển thành một sự sụp đổ và hoảng loạn. Dầu Brent lao dốc từ 58,8 USD/thùng xuống còn khoảng 20 USD/thùng (22/4). Dầu Urals của Nga cung cấp cho châu Âu có một số thời điểm được giao dịch với giá thấp hơn giá vốn, thậm chí rơi xuống mức âm (đã bao gồm phí vận chuyển). Hậu quả của sự hoảng loạn nói chung là giá dầu WTI tương lai của Mỹ giảm chưa từng thấy xuống vùng âm, đóng cửa ngày (20/4) ở mức -37,63 USD/thùng.

Kết quả là OPEC+ vẫn phải tiếp tục thương lượng nhưng với những điều khoản nghiêm ngặt hơn nhiều. Thỏa thuận OPEC++ mới được ký vào ngày 11/4/2020, quy định mức giảm sản lượng tổng thể là 9,7 triệu thùng/ngày, trong đó phần lớn cắt giảm do hai nhà sản xuất lớn nhất là Nga và KSA đảm nhận. Cả hai đều cam kết cắt giảm sản lượng 2,5 triệu thùng/ngày so với mức cơ sở 11 triệu thùng/ngày. Ngoài ra có nguồn tin cho rằng, hai nhà sản xuất ngoài OPEC+ là Mỹ và Canada đã tham gia thỏa thuận, trong đó cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đóng vai trò quan trọng trong việc ký kết thỏa thuận mới, trở thành trung gian hiệu quả giữa Nga và KSA.

Các hạn chế sản xuất dầu thô nghiêm ngặt nhất có hiệu lực trong tháng 5 và 6/2020, sau đó thời hạn này được gia hạn thêm một tháng trước khi sản xuất dầu thô được nới lỏng dần. Kể từ tháng 8/2020, hạn ngạch cắt giảm của OPEC++ giảm thêm 2 triệu thùng/ngày và từ năm 2021 sẽ giảm thêm 1,9 triệu thùng/ngày theo kế hoạch. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán kéo dài, theo sáng kiến của KSA, con số này giảm xuống còn 500.000 thùng/ngày kèm theo điều kiện đánh giá, sửa đổi hạn ngạch cắt giảm theo tháng. Kết thúc ngày đàm phán 05/01, Nga và Kazakhstan có thể tăng nhẹ sản lượng khai thác dầu thô ở các mức lần lượt là 65.000 thùng/ngày và 10.000 thùng/ngày trong tháng 2 và 3. Về phần mình, KSA sẽ giảm sản lượng khai thác xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày để tổng sản lượng theo thỏa thuận của liên minh vẫn duy trì ở mức tháng 1.

Điều kiện tiên quyết cho sự sụp đổ của liên minh

Quá trình đàm phán dẫn đến các quyết định của liên minh vào tháng 12/2020 và tháng 01/2021 đã khiến các nhà quan sát đề cập đến một khủng hoảng tiềm tàng trong tổ chức. Cả hai lần, trong các cuộc đàm phán sơ bộ, các bộ trưởng không thể đi đến thống nhất và đưa ra các khuyến nghị để thông qua tại hội nghị thượng đỉnh OPEC++ tiếp theo. Các quyết định chỉ được thông qua vào thời điểm cuối cùng sau đàm phán kéo dài.

Khi tình hình thị trường dầu dần ổn định, lý do để duy trì các hạn chế chặt chẽ và sản xuất ngày càng trở nên ít rõ ràng hơn đối với một số thành viên của liên minh và mỗi lần như vậy lại càng khó thuyết phục họ về sự cần thiết của việc duy trì thỏa thuận. Trong lần gần đây nhất như đã đề cập ở trên, để duy trì sự thống nhất giữa các nhà sản xuất, KSA – nước ủng hộ nhất quán việc cắt giảm đã buộc phải nhượng bộ Nga và Kazakhstan, bù đắp cho việc hai nước này tăng sản lượng.

Với việc giá dầu tăng lên trên 55 USD/thùng, một lần nữa điều này khiến đầu tư vào khai thác dầu đá phiến trở lên hấp dẫn. Theo số liệu của Baker Hughes, số lượng giàn khoan tại Mỹ đang tăng tuần thứ 9 liên tiếp và đạt 378 đơn vị (cao nhất kể từ tháng 5/2020). Tuy nhiên, khi mà các chỉ số khai thác chưa hồi phục hoàn toàn, các nhà sản xuất dầu đá phiến đang tập trung xử lý các khoản nợ hơn là tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Ngoài ra, giới đầu tư đang chờ đợi những chính sách năng lượng mới của chính quyền Biden trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên sớm hay muộn, việc gia tăng hoạt động khoan sẽ thúc đẩy phục hồi sản lượng dầu thô tại Mỹ và bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường. Điều này một lần nữa sẽ khiến lập luận của những người phản đối việc cắt giảm khai thác quá mức theo thỏa thuận OPEC++ trở nên thuyết phục hơn. Họ sẽ tiếp tục đề nghị nới lỏng hơn nữa hạn ngạch cắt giảm để khiến ngành sản xuất dầu đá phiến không có lãi. Tuy nhiên, việc thông qua điều này sẽ khó đạt được sự đồng thuận bởi tất cả các nước trong liên minh vì một số thành viên gần đây đang đặt cược vào việc tăng giá dầu. Trong trường hợp này, xung đột có thể sẽ xảy ra và dẫn đến việc phá vỡ thỏa thuận.

Một yếu tố khác có khả năng phá vỡ thỏa thuận mong manh trong liên minh là quá trình chuyển đổi sang năng lượng “xanh” đang diễn ra nhanh chóng, được EU và chính quyền mới của Mỹ ủng hộ. Quan chức của các quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn cho rằng, nếu nhiên liệu hóa thạch chỉ có nhu cầu trong vài thập kỷ tới thì mọi thứ phải được thực hiện để tối đa hóa kinh doanh từ các nguồn năng lượng sẵn có bằng cách tái đầu tư vào các công nghệ năng lượng mới.

Cuối cùng, vào một thời điểm nào đó, đại dịch Covid-19 – yếu tố quan trọng trong việc kìm hãm giá dầu do lo ngại về các đợt đóng cửa mới và suy giảm nhu cầu tiêu thụ. Dự kiến đến mùa hè này, tỷ lệ người được tiêm chủng tại các nước phát triển sẽ đạt mức 70%, sau đó chúng ta có thể nói về việc tạo ra “miễn dịch cộng đồng”. Tiếp theo đó, các hạn chế di chuyển của công dân và hạn chế các hoạt động kinh tế dần biến mất. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ.

Đồng thời, mức độ tuân thủ cam kết trong liên minh OPEC+ có thể giảm trong mùa hè tới như đã từng xảy ra vào mùa hè năm 2020, thời điểm một số thành viên vi phạm nghĩa vụ giảm sản lượng. Đã có thời điểm UAE thậm chí còn đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu tình trạng vi phạm hạn ngạch không dừng lại. Nếu hiện tượng này trở nên phổ biến, nó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của thỏa thuận OPEC+.

Các hiệu ứng

Có vẻ như sự sụp đổ của thỏa thuận OPEC++, nếu không có yếu tố Covid-19 gây áp lực, sẽ không phải là một thảm họa đối với thị trường dầu mỏ. Nhiệm vụ chính của liên minh là tạo ra thâm hụt để loại bỏ những dự trữ nguyên liệu thô dư thừa ở các nước OECD. Liên minh đã giải quyết thành công hơn so với mong đợi. Ví dụ trong tháng 8/2020, OPEC đã dự báo mức dự trữ trung bình 5 năm trong OECD sẽ vượt 233 triệu thùng trong quý IV/2020 và có thể đạt 250 triệu thùng trong năm 2021. Tuy nhiên trong đánh giá mới nhất của Argus, khối lượng dầu tồn đọng và các sản phẩm dầu mỏ tại các kho chứa trên bờ của Mỹ, Nhật Bản, 15 nước thành viên EU và Na Uy trong tháng 12/2020 đã giảm so với tháng trước đó gần 45 triệu thùng và tính đến tháng 01/2021 đã giảm so với mức trung bình 5 năm là gần 160 triệu thùng. Do đó, thay vì tăng trưởng dự trữ dầu thô, toàn thị trường đang chứng kiến sự sụt giảm nhanh chóng dung tích các kho chứa.

Trong trường hợp OPEC++ sụp đổ, những hệ quả tiêu cực đối với thị trường là không thể tránh khỏi. Trong ngắn hạn, giá dầu Brent có thể giảm 30-35 USD/thùng. Những hậu quả tiếp theo sẽ phụ thuộc vào động thái của các nước sản xuất dầu. Nếu họ sẵn sàng cùng hợp tác trong điều kiện mới, kiềm chế một cuộc chiến tranh về giá, thì giá dầu sẽ nhanh chóng phục hồi lên mức 60 USD/thùng giống như khi liên minh tồn tại. Ở chiều ngược lại, nếu các nhà sản xuất dầu mỏ không thể cưỡng lại sự cám dỗ cạnh tranh thị phần thông qua việc bán phá giá sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng khác đang chờ đợi ở phía trước. Trong hoàn cảnh đó, rất có thể một thỏa thuận OPEC+++ sẽ ra đời với những hạn chế mới nghiêm ngặt hơn.

Chia sẻ bài viết

Không thể sao chép