Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình biển; trong đó đưa giàn khoan RC-RB1 và RC-10 mỏ Rồng vào sử dụng trong quý IV/2022.
Hiện Vietsovpetro tập trung nguồn lực để triển khai kế hoạch chế tạo trên bờ khối thượng tầng và cầu dẫn giàn RC-RB1, mỏ Rồng, khối lượng 1.593 tấn; chế tạo trên bờ chân đế, cọc, bến cập tàu RC-10, mỏ Rồng, khối lượng 670 tấn.
Bên cạnh đó, Vietsovpetro cũng tiếp tục triển khai thiết kế và mua sắm, chế tạo một phần trên bờ dự án RC-8 và triển khai thiết kế và các thủ tục mua sắm cho dự án BK-22 khi 2 phía Việt-Nga cho phép.
Năm 2022, hai phía Việt-Nga giao kế hoạch cho Vietsovpetro khai thác dầu và khí ngưng tụ condensate là 2,9 triệu tấn; trong đó Lô 09-1 là 2,8 triệu tấn, Lô 09-3/12 là 100,7 nghìn tấn; ngoài ra, giao thêm 2 nhiệm vụ bổ sung với mỗi nhiệm vụ là 100 nghìn tấn dầu khai thác tại Lô 09-1; chỉ tiêu sản lượng khai thác khí thiên nhiên 65,4 triệu m3.
Vì vậy, việc đưa các công trình giàn khoan vào hoạt động đúng kế hoạch sẽ giúp liên doanh nâng cao sản lượng khai thác dầu trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo trong bối cảnh sản lượng khai thác tiếp tục suy giảm tại Lô 09-1 trong khi các phát hiện dầu khí mới hầu hết là các mỏ cận biên, các khu vực triển vọng còn lại có điều kiện địa chất hết sức phức tạp, tiềm năng dầu khí thấp.
Bên cạnh đó, để hoàn thành kế hoạch năm 2022 được giao, Vietsovpetro đang tập trung nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa chi phí năm 2022 bằng các biện pháp kiểm soát mua sắm, sử dụng vật tư thiết bị, cải tiến và tối ưu hóa quản lý logistics, nâng cao hiệu quả cung ứng vật tư thiết bị cho các công trình biển; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí.
Giải pháp đẩy mạnh việc kiểm soát chế độ khai thác, tối ưu hóa gaslift và bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, đảm bảo khai thác an toàn mỏ cũng được Vietsovpetro tập trung triển khai song hành với áp dụng các công nghệ mới về tăng sản lượng khai thác và công nghệ tăng hệ số thu hồi dầu.
Vietsovpetro cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất; triển khai các ứng dụng quản trị hiện đại vào điều hành sản xuất; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của Vietsovpetro giai đoạn 2022 – 2025 và chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030; tiếp tục triển khai các giải pháp về quản trị nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và các chương trình đào tạo chuyên sâu định hướng phát triển đội ngũ chuyên gia.
Đặc biệt, để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu sụt giảm, Vietsovpetro đang chủ động thiết lập một chuỗi cung ứng nội địa cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió, bao gồm các đơn vị trong ngành dầu khí, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo đó, căn cứ Nghị quyết kỳ họp Hội đồng 54, Vietsovpetro đang xem xét trình Chính phủ và các cấp bộ, ngành liên quan cho phép Vietsovpetro được tham gia hoạt động vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Trong tháng 1/2022, khai thác dầu của Vietsovpetro vượt 3,6 % kế hoạch; khối lượng khí cung cấp vào bờ vượt 13,6% kế hoạch.
Không thể sao chép