Tiếp thu ý kiến góp ý về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ngày 10-3, Bộ Tài chính đã tăng mức giảm với xăng dầu lên gấp đôi, 2.000 đồng/lít xăng. Còn dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn có chung mức giảm 1.000 đồng/lít.
rên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thiện dự án nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít. Đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12 năm nay.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỉ đồng/năm.
Từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng khoảng 31.938 tỉ đồng/năm.
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1-4, số giảm thu ngân sách nhà nước gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng trong năm nay khoảng 23.954 tỉ đồng.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 1.000 đồng/lít, còn với các mặt hàng dầu và mỡ nhờn 500 đồng/lít, kg.
Tuy nhiên, góp ý cho đề xuất trên của Bộ Tài chính, phía Bộ Công thương, Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam đề nghị mức giảm phải mạnh mẽ hơn 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít, kg đối với các mặt hàng dầu và mỡ nhờn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng cao vào kỳ điều chỉnh giá ngày 11-3, giá xăng có thể lên 30.000 đồng/lít, mức giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu phải đủ lớn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Không thể sao chép