Các nước G7 nhất trí cấm hoặc từng bước dừng nhập khẩu dầu của Nga, động thái mới nhất của phương Tây nhằm gây sức ép lên Tỏng thống Nga Vladimir Putin do chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Thủ tướng Kishida cho biết, Nhật Bản là một nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu nên đây là một quyết định khó khăn. Tuy nhiên, sự phối hợp trong G7 là quan trọng hơn bao giờ hết khi nền tảng của trật tự quốc tế không chỉ tại châu Âu mà còn tại châu Á bị lung lay bởi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nhật Bản cam kết sẽ từng bước chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cấm hoặc từng bước dừng nhập khẩu dầu của nước này một cách kịp thời và có trật tự.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Kishida giải thích các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga được công bố ngày 5/5 gồm đóng băng tài sản đối với 140 cá nhân nước này, cũng như tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine và các nước láng giềng.
Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cũng cảnh báo về tác động lâu dài của vấn đề Ukraine, cho rằng xung đột Nga-Ukraine là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn của kinh tế thế giới. Điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương ứng phó với các thách thức về an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Nhật Bản đã nhanh chóng hành động và phối hợp với các nước G7 trong việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có việc đóng băng tài sản của các nhà tài phiệt.
Tuy nhiên, cho đến nay, Nhật Bản không sẵn sàng trong việc thực thi một lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga, do nước này phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân sau cuộc khủng hoảng tại Fukushima năm 2011.
Nga là nguồn cung dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ năm của Nhật Bản.
Chính phủ và các công ty của Nhật Bản sở hữu cổ phần trong các dự án dầu thô và LNG tại Nga, trong đó có hai dự án trên đảo Sakhalin mà hai đối tác là Exxon Mobil Corp và Shell PLC đã thông báo sẽ rút.
Không thể sao chép