Những nỗ lực nhằm bảo vệ việc nhập khẩu LNG khỏi sự biến động của giá giao ngay trong bối cảnh thị trường khí đốt tự nhiên và địa chính trị có nhiều bất ổn, và sự quan tâm ngày càng tăng đối với an ninh năng lượng đã thúc đẩy tất cả các nhà nhập khẩu khí đốt – bao gồm cả châu Âu trước đây tỏ ra khá miễn cưỡng – ký kết các hợp đồng LNG dài hạn hơn trong những tháng gần đây.
Dẫn đầu trong các hợp đồng LNG là Trung Quốc, một quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu khí đốt lớn, luôn tìm cách bảo vệ an ninh năng lượng của mình. Cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái đã nhấn mạnh thêm vào vấn đề an ninh nguồn cung ở Trung Quốc, quốc gia hiện đang ký các hợp đồng LNG dài hạn như thể cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn đang ở đỉnh điểm. Theo ước tính của Bloomberg, Trung Quốc chiếm 1/3 tổng số hợp đồng LNG dài hạn đã ký từ đầu năm đến nay.
Theo đó, một loạt các thỏa thuận LNG dài hạn đã được ghi nhận trong những tháng gần đây, bao gồm cả từ những người mua ở châu Âu, nơi an ninh năng lượng đã trở thành vấn đề đặc biệt được quan tâm do lo ngại về khí thải từ hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Điển hình như, tháng trước, Đức đã ký hợp đồng 20 năm với công ty Venture Global LNG của Mỹ để nhập khẩu 2,25 triệu tấn LNG mỗi năm từ dự án thứ ba của Venture Global, CP2 LNG, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tìm cách đảm bảo nguồn cung khí đốt sau khi Nga ngừng giao hàng .
Những khách hàng đến từ Trung Quốc gần đây cũng ký với Qatar các thỏa thuận LNG có thời hạn dài nhất trong lịch sử, đồng thời thảo luận về các thỏa thuận bổ sung với QatarEnergy và các nhà phát triển LNG của Mỹ.
Tập đoàn Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), đang thảo luận với Saudi Aramco về việc phát triển mỏ khí đốt khổng lồ Jafurah, có thể bao gồm việc xây dựng một nhà ga LNG để xuất khẩu một phần khí đốt, Bloomberg đưa tin hồi đầu năm nay.
Sinopec đã có 5% cổ phần trong việc phát triển dự án mở rộng North Field East (NFE) khổng lồ ở Qatar, dự án lớn nhất trong lịch sử ngành LNG. Cuối năm ngoái, QatarEnergy đã ký hợp đồng dài hạn nhất khi đồng ý cung cấp LNG cho Sinopec trong 27 năm.
Tháng trước, QatarEnergy cũng ký một thỏa thuận tương tự với một gã khổng lồ năng lượng khác của Trung Quốc. Hồi tháng 6, QatarEnergy ký các thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), bao gồm việc cung cấp LNG dài hạn cho Trung Quốc và hợp tác trong dự án mở rộng LNG North Field East (NFE).
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Qatar sẽ cung cấp 4 triệu tấn LNG mỗi năm từ dự án NFE cho các trạm tiếp nhận của CNPC tại Trung Quốc trong 27 năm. Ngoài Qatar, Trung Quốc đang tìm cách ký kết các thỏa thuận dài hạn hơn với nhà xuất khẩu LNG hàng đầu là Mỹ.
Mới tuần trước, Cheniere Energy đã ký một thỏa thuận dài hạn với ENN của Trung Quốc để cung cấp LNG cho người mua Trung Quốc trong hơn 20 năm – thỏa thuận thứ hai giữa Cheniere và ENN.
Chủ tịch ENN Natural Gas Wang Yusuo nói: “Hiện tại, Trung Quốc đang tiến tới việc “đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon”, đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng và thị trường khí đốt tự nhiên đầy tiềm năng”.
Bất chấp sự sụt giảm chưa từng thấy trong tiêu thụ và nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc vào năm ngoái, quốc gia này đang tìm cách đảm bảo nhu cầu năng lượng dài hạn của mình và tránh tình trạng thiếu năng lượng và điện năng có thể làm suy yếu các mục tiêu tăng trưởng. Việc phong tỏa và tăng trưởng kinh tế chậm lại vào năm ngoái đã khiến mức tiêu thụ khí đốt hàng năm của Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ năm 1990, trong khi nhập khẩu LNG giảm 20%, chủ yếu do nhu cầu giảm và giá LNG giao ngay cao.
Các nhà phân tích cho biết, năm nay, nhu cầu và nhập khẩu LNG của Trung Quốc sẽ tăng trở lại, mặc dù không có khả năng đạt mức trước đại dịch Covid.
Trong khi đó, các thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn vẫn là ưu tiên của Trung Quốc.
“Có nguồn cung dồi dào trong danh mục đầu tư cho phép họ quản lý sự biến động trong tương lai”, Toby Copson, trưởng bộ phận tư vấn và giao dịch toàn cầu tại Trident LNG ở Thượng Hải, nói với Bloomberg.
Không thể sao chép