Giá dầu thô đang tăng lên do sự cắt giảm mạnh mẽ của Ả Rập Xê-út và Nga, những lực lượng chính đứng sau OPEC+. Việc cắt giảm do liên minh dầu mỏ thực hiện nhằm thúc đẩy giá dầu đang cho thấy kết quả cực kỳ thành công, với giá thùng tăng tới 30% kể từ tháng 6.
Thời điểm hiện tại, giá đang dao động gần hơn mốc 100 USD/thùng và thậm chí có thể vượt qua cột mốc này sau thông báo gần đây của Nga và Ả Rập Xê-út rằng họ có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Trong lịch sử, giá dầu cao không gì khác ngoài tin tốt cho ngành dầu mỏ, ngay cả khi nó gây ra xung đột ở các lĩnh vực khác. Nhưng lần này, nó có thể không thực sự tốt ngay cả đối với Big Oil.
Mặc dù giá dầu cao có thể mang lại lợi nhuận thuần túy cho ngành dầu mỏ, nhưng đó là ranh giới mong manh giữa kích thích và không khuyến khích, vì giá cao cũng có thể khiến nhu cầu giảm đáng kể. Điển hình như, hồi tháng 6 và tháng 7 năm ngoái, khi giá dầu đạt mức trung bình 110 USD/thùng, nhu cầu xăng ở Mỹ đã giảm mạnh 4,1% so với cùng kỳ năm trước khi dầu được bán ở mức 70 USD/thùng. Và khi mốc 110 USD đó giảm xuống, độ chênh lệch nhu cầu so với cùng kỳ năm trước cũng giảm, nhấn mạnh mối tương quan giữa giá dầu cao và sự dè dặt của người tiêu dùng.
Trên thực tế, hiệu ứng hạ nhiệt đó có thể còn mạnh hơn trong năm nay, vì các gia đình ở Mỹ có ít tiền tiết kiệm hơn và có thể sẽ hoạt động với ngân sách eo hẹp hơn đáng kể. Theo Viện Ngân hàng Mỹ, số tiền tiết kiệm trung bình của các hộ gia đình Mỹ kiếm được từ 50.000 đến 100.000 USD một năm đã giảm một nửa. Và xu hướng giảm đáng lo ngại đó sắp trở nên trầm trọng hơn đối với hàng triệu người khi các khoản vay sinh viên tiếp tục vào tháng tới, tương đương khoảng 100 tỷ USD mỗi tháng ở cấp quốc gia.
Quả thực, không có gì đáng ngạc nhiên khi giá dầu tăng vọt đã gây ra nhiều tranh cãi tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu tăng là nguyên nhân chính gây ra suy thoái ở Mỹ vào giữa những năm 1970, cũng như đầu những năm 1980 và 1990, khi thị trường năng lượng và giá cả tại trạm bơm “thúc đẩy lạm phát và cướp đi sức mua của người tiêu dùng”.
Theo đó, lo ngại về suy thoái kinh tế đang gia tăng cùng lúc với các chuẩn dầu thô. Hãng Bloomberg nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ cảnh giác cao độ về kỳ vọng lạm phát gia tăng do xăng dầu nói riêng, vì họ lo ngại điều đó có thể dẫn đến giá tăng trên diện rộng”.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nói: “Việc giá dầu tăng cao là mối lo lắng hàng đầu của tôi vào thời điểm này. Bất cứ thứ gì trên 100 USD trong bất kỳ khoảng thời gian nào chẳng khác nào một căn bệnh nặng”. Và bản thân ngành dầu mỏ có thể cũng không tránh khỏi căn bệnh này.
Trong khi tình trạng tiết kiệm và kinh tế hộ gia đình ở Mỹ khá bấp bênh, toàn bộ tác động của những hạn chế của người tiêu dùng sẽ thực sự được cảm nhận ở các nước đang phát triển – như thường lệ.
Đi ngược lại xu hướng lịch sử, giá trị của đồng USD chỉ tiếp tục tăng cùng với giá dầu, gây áp lực đau đớn lên các nền kinh tế có đồng tiền yếu hơn, tuy nhiên buộc phải mua dầu bằng đồng USD. Điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu và thị trường năng lượng, vì các nước đang phát triển này bao gồm các thị trường lớn như Ấn Độ và Trung Quốc.
Mặc dù mốc 100 USD không khác biệt đáng kể về mặt tài chính so với mốc 99 USD mỗi thùng, song, ba chữ số có ảnh hưởng tâm lý quá lớn đối với người tiêu dùng và thị trường năng lượng nói chung. Do đó, việc vượt qua cột mốc này sẽ gây ra những làn sóng chấn động không cân xứng đối với một thị trường toàn cầu đang gặp khó khăn và mong manh mà ngành năng lượng cần phải chuẩn bị trong những tháng tới. May mắn thay, hầu hết các chuyên gia đều dự đoán rằng mức tăng đạt ba chữ số sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng thiệt hại có thể sẽ lâu dài hơn.
Không thể sao chép