Trở lại danh sách tin tức

12 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng

(Chinhphu.vn) – Ngày 28/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19 nào đến thời điểm này. Như vậy, đã 12 ngày liên tục Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

11 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Cụ thể, tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h ngày 28/4 đã 12 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 28/4, Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Nếu tính từ chiều ngày 24/4 (có 2 ca mắc mới là du học sinh trở về từ Nhật Bản) thì đến hôm nay Việt Nam bước vào ngày thứ 4 không ghi nhận ca mắc mới.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 45.466 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 323 người. Cách ly tập trung tại cơ sở khác 8.459 người. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 36.684 người.

Đến nay, dịch bệnh đã lan ra 212 quốc gia/ vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) trên toàn cầu.

Tính đến 6h00 ngày 28/4, toàn thế giới đã có 3.004.926 người mắc COVID-19; 207.262 người tử vong. Trong đó, Hoa Kỳ ghi nhận 987.322 người mắc, 55.415 người tử vong. Tây Ban Nha: 226.629 người mắc, 23.190 người tử vong. Italy: 197.675 người mắc, 26.644 người tử vong.  Pháp: 162.100 người mắc, 22.856 người tử vong.

Tại Đông Nam Á, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh COVID-19, với tổng số ca mắc là 40.742 số ca tử vong là 1.447. Việt Nam đứng thứ 125/212 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; đứng thứ 6/11 quốc gia có ca mắc COVID-19 trong khu vực Đông Nam Á.

Cập nhật tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

222 người đã khỏi bệnh; 14 ca âm tính

Về tình hình điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, tính đến nay đã có 270 người nhiễm SARS- CoV-2 (người bệnh COVID-19).

Trong đó điều trị khỏi bệnh/ ra viện 222 trường hợp, còn lại 48 người bệnh đang điều trị tại 8 cơ sở khám chữa bệnh. Trong ngày không có ca bệnh ra viện.

Trong số 48 ca đang điều trị tại các bệnh viện, kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 là 8 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 6 ca.

Tình hình dịch bệnh tại các nước trên thế giới.

Về tình hình sức khoẻ của các bệnh nhân COVID-19 nặng hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo cho biết hiện đang có nhiều dấu hiệu tiến triển.

Cụ thể là, bệnh nhân phi công người Anh điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh dù đang nặng nhưng đã có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính liên tiếp với virus SARS-CoV-2.

Hai bệnh nhân nặng còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đang tập cai máy thở.

Cũng theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, trong ngày có thêm 3 ca nghi ngờ dương tính trở lại sau khi công bố khỏi bệnh. Trước đó Việt Nam cũng đã ghi nhận 5 ca tái dương tính.

Việt Nam làm chủ 2 phương pháp xét nghiệm

Việt Nam sản xuất thành công sinh phẩm mới, làm chủ 2 phương pháp xét nghiệm COVID-19. Tới nay, chúng ta đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc COVID-19, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới.

Là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể, Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh “made in Vietnam” có nhiều ưu điểm: Dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có; độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu); đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%.

Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, qua đánh giá ban đầu giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm). Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt.

Hiện nay, chúng ta đã bảo đảm được các loại thuốc có thể dùng cho những phác đồ điều trị COVID-19; chủ động sản xuất được khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, máy thở…; tự sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm và làm chủ các phương pháp xét nghiệm, sàng lọc và phát hiện người nhiễm COVID-19.

Thanh tra các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch

Liên quan đến tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

5 điểm người dân cần tiếp tục làm tốt.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ

Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Khuyến cáo người dân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguy cơ: Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức nguy cơ thấp: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc.

Đối với các trường học: Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống COVID-19:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

7 thói quen cần thay đổi.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân 7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19:

1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.

2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.

4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.

6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.

Nguồn dẫn

Chia sẻ bài viết

Không thể sao chép