Các cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm, ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.
Trong nước, do nắm bắt tình hình sớm nên ngay từ cuối tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có phương án tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối đã đẩy mạnh việc nhập khẩu. Chỉ tính riêng tháng 2/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đã đạt mức 1,45 triệu m3, tăng cao gấp 3 lần so với các tháng thông thường. Cùng với lượng tồn đầu tháng 1,3 triệu m3, lượng mua từ sản xuất trong nước, tồn kho gối đầu trong tháng 3 khoảng 1,6-1,8 triệu m3, nguồn cung xăng dầu cho thị trường từ các nguồn trong Quý I/2022 được bảo đảm.
Tại các cuộc họp diễn ra ngày 22-24/02/2022 với sự tham dự của đại diện của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam; Đại diện UBND, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối…, các bên thống nhất thực hiện quyết liệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu mối, nhất là các doanh nghiệp lớn có cổ phần của Nhà nước đã thể hiện tốt vai trò trách nhiệm trong việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trước những bất ổn về nguồn cung cấp từ sản xuất. Do đó, tại các cuộc họp, các bên đều thống nhất cách thức điều hành của Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc bảo đảm tổng nguồn cung xăng dầu trước mắt trong Quý II/2022 theo phương thức phân giao lại tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu bổ sung cho các thương nhân kinh doanh đầu mối. Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khẩu khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do sản xuất trong nước không đạt kế hoạch sản lượng và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để đảm bảo cho nhu cầu phục hồi kinh tế. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước và đến giữa tháng 5/2022 sẽ xây dựng phương án phân giao tổng nguồn cụ thể cho 06 tháng cuối năm 2022.