Trở lại danh sách tin tức

Chống dịch COVID-19: Những việc cần làm ngay

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc và yêu cầu: Cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ cho phòng chống dịch; “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm;…

Cả nước đoàn kết một lòng để chiến thắng đại dịch

Thủ tướng chính phủ khuyến cáo

Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc và yêu cầu cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ cho phòng chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu: “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm;

Bệnh viện Bạch Mai được tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân nặng cấp cứu, không để bệnh nhân tử vong vì không được cấp cứu, Thủ tướng đề nghị Bệnh viện phải tổ chức thực hiện chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và cho bệnh nhân;

Cách ly xã hội là cần thiết để ngăn chặn hiệu quả việc lây lan ra cộng đồng;

Cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân;

Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà và xử lý công việc qua công nghệ thông tin trừ trường hợp đặc biệt phải đến cơ quan, ví dụ như xử lý tài liệu mật, bộ phận trực sẵn sàng chiến đấu, trực cơ quan đầu não, bộ phận sản xuất dịch vụ thiết yếu, sản xuất công cụ cần thiết cho nền kinh tế…

Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan có nhiều người lây nhiễm do không nắm vững các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

 

Phòng chống dịch bênh Covid-19

Những việc cần làm ngay

Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, chính quyền các địa phương, các cơ quan, tổ chức thực hiện 7 việc sau:

Thứ nhất, hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28 tháng 3 đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020

Thứ hai, ít nhất trong 2 tuần tới, tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo. Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở và trường học, bệnh viện.

Thứ ba, đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân.

Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để chống dịch.

Thứ tư, tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng.

Thứ năm, cần thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm bệnh.

Thứ sáu, nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Thứ bẩy, trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Thông báo khẩn số 9

Người đến BV Bạch Mai cần làm ngay những việc sau:

Ngày 29/3, Bộ Y tế khuyến cáo đề nghị tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 12 tới 27/3/2020 thực hiện các biện pháp sau đây:

– Gửi tin nhắn thông báo họ tên đầy đủ và địa chỉ nơi ở của mình vào số điện thoại 8889.

– Liên lạc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn.

– Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến tại tokhaiyte.vn, thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe để được tư vấn và trợ giúp.

Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt 5 điểm sau đây:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

5 điều người dân cần làm

Thủ tướng chỉ thị quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch 

Như đã đưa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19

Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28/3 đến hết 15/4

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28 tháng 3 đến hết ngày 15 tháng 4 năm 2020:

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.

Xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người

Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh

Thủ tướng giao các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, yêu cầu thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc đối với các trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 08 tháng 3 năm 2020 không thuộc diện cách ly tập trung để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát phù hợp.

Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, cảnh sát khu vực, công an xã, thanh niên xung kích trên địa bàn, tổ dân phố, thôn bản… tăng cường việc giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình, hạn chế tối đa việc giao tiếp của các đối tượng bị đề nghị cách ly y tế; thực hiện cưỡng chế cách ly y tế  đối với các trường hợp chống đối cách ly theo quy định.

Tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới trên bộ (nhất là biên giới với Lào, Campuchia), đường thủy, đường biển, các cảng hàng không. Tăng cường năng lực cả về nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm cách ly tập trung đối với mọi trường hợp nhập cảnh; chú trọng việc bảo đảm an toàn cho các lực lượng quản lý nhập cảnh, làm việc tại các cửa khẩu, các khu cách ly tập trung và các cơ sở cách ly dân sự khác. Có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc người nhập cảnh bảo đảm không quá tải các cơ sở cách ly tập trung trên tuyến biên giới đường bộ.

Chung tay đẩy lùi Covid-19

Bảo vệ tốt nhất an toàn cho lực lượng bác sĩ, cán bộ y tế

Bộ Y tế chỉ đạo phân luồng, phân tuyến khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân; có phương án chăm sóc tốt hơn, bảo vệ tốt nhất an toàn cho lực lượng bác sĩ, cán bộ y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện điều trị người mắc dịch COVID-19; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các tỉnh giáp Lào, Campuchia.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế và các phương án phòng, chống dịch, kể cả việc huy động cơ sở vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trên diện rộng; xây dựng phương án về áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28 tháng 3 năm 2020.

Các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư mở rộng việc xét nghiệm. Các thành phố lớn tăng công suất xét nghiệm, thực hiện chiến lược xét nghiệm sớm để cách ly.

Xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự trường hợp không chấp hành biện pháp cách ly

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Y tế tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch; tập trung thông tin về việc không tập trung đông người, khuyến khích và hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, phát hiện sớm và thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi mắc bệnh.

Các cấp, các ngành tích cực đổi mới, cải tiến cách làm việc nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, học tập, thực hiện thủ tục hành chính; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Mỗi người dân là một chiến sĩ phòng, chống dịch

Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.

Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền vận động nhân dân tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tiếp tục phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tích cực hỗ trợ chính quyền các cấp và nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội./.

Nguồn dẫn

Chia sẻ bài viết

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép