Trở lại danh sách tin tức

Giảm thuế phí để ‘kìm’ đà tăng của giá xăng

Source

Hiện trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu, thuế và phí chiếm hơn 40% gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường…do đó, nhiều chuyên gia cho răng, cần giảm các loại thuế này để “kìm” đà tăng của giá xăng.

Chú thích ảnh

Giá xăng tăng cao nhất trong 8 năm qua

Sau kỳ điều chỉnh ngày 11/2, giá xăng RON 95 vượt mức 25.000 đồng/lít, lên mức cao nhất trong 8 năm qua khiến thị trường xăng dầu trong nước nhiều biến động. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu giá xăng tiếp tục tăng sẽ gây tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.

Để “kìm” giá xăng dầu trong nước, một trong những công cụ điều hành được nhiều chuyên gia đề cập tới là giảm thuế. Theo thống kê, hiện trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu, thuế và phí chiếm hơn 40% gồm: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường. Trong đó, đáng kể nhất là mức thuế bảo vệ môi trường, với mỗi lít xăng ở mức 3.000 – 4.000 đồng/lít. Do đó, khi giá xăng dầu tăng mạnh, điều đầu tiên cần làm là xem xét các yếu tố cấu thành nên giá, trong đó có các loại thuế.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), để bình ổn giá xăng dầu, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt Quỹ Bình ổn giá thì cân nhắc giảm các loại thuế, phí. “Thuế phí nằm trong giá xăng dầu hiện nay là quá lớn. Một trong những biện pháp kìm giá tốt ở thời điểm hiện nay đó là Nhà nước phải rà soát, xem xét lại, cần xem liệu có phí thuế chồng phí thuế không và cần điều chỉnh mức thuế phí hợp lý hơn để tránh sự tăng giá xăng dầu cao”, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho biết.

Chuyên gia này cho rằng, ngoài giải pháp giảm thuế, phí, về lâu dài, cần tính toán, nhanh chóng chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường để thị trường quyết định.

Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, tính tổng thể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có doanh nghiệp âm, có doanh nghiệp vẫn dương, song quỹ này cũng có hạn. Do đó, theo ông Đông, nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD một thùng sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước thì phải dùng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi, nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hoá một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.

Với tỉ trọng thuế, phí trên mỗi lít xăng, dầu đang quá cao, 40 – 42%, là tác nhân khiến giá bán lẻ cao, ông Đông cho biết, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó, các loại thuế, phí chiếm 42 – 43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24 – 30%. Vấn đề này sẽ do Bộ Tài Chính xem xét, rà soát và báo cáo Chính phủ.

Vụ trưởngVụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, tương lai lâu dài thì cần có tư duy quản lý xăng dầu như các nước tiên tiến, để thị trường quyết định, theo luật cạnh tranh và quy luật cung cầu.

Phân tích thêm về các giải pháp ổn định thị trường xăng dầu trong nước, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp – nhà nước và người dân. Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, nhưng cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.

Chia sẻ bài viết

Không thể sao chép