Trở lại danh sách tin tức

Thị trường ngày 13/8: Giá dầu bật tăng hơn 2%, vàng đảo chiều tăng cao

Giá dầu thô tăng 2%

Giá dầu thô tăng hơn 2% sau khi tồn trữ dầu của Mỹ giảm, thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ vượt qua đại dịch virus corona.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/8, dầu thô Brent tăng 93 US cent tương đương 2,1% lên 45,43 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,06 USD tương đương 2,6% lên 42,67 USD/thùng, sau khi giảm 0,8% trong phiên trước đó.

Tồn trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ trong tuần trước giảm, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường sản xuất và nhu cầu được cải thiện. Nhu cầu nhiên liệu của Mỹ trong tuần trước tăng lên 19,37 triệu thùng/ngày (bpd), mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết. Tồn trữ dầu thô giảm 4,5 triệu thùng, so với dự kiến giảm 2,9 triệu thùng của các nhà phân tích. Sản lượng dầu thô giảm xuống 10,7 triệu thùng/ngày từ mức 11 triệu thùng/ngày trong tuần. Việc EIA điều chỉnh giảm dự báo sản lượng dầu quan trọng của Mỹ trong năm nay cũng hỗ trợ giá. Sản lượng dầu thô của Mỹ dự báo sẽ giảm 990.000 bpd trong năm nay xuống 11,26 triệu bpd, cao hơn mức giảm 600.000 bpd dự báo tháng trước đó.

Giá khí tự nhiên giảm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm do dự báo nhu cầu giảm chậm hơn, khi thời tiết nóng nhất của mùa hè đã qua.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn New York giảm 1,9 US cent tương đương 0,9% xuống 2,152 USD/mmBTU, thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2020 và giảm khoảng 4% so với mức cao nhất của tuần trước đó kể từ tháng 12/2019.

Refinitiv dự báo nhu cầu của Mỹ bao gồm xuất khẩu sẽ giảm từ mức trung bình 89,3 tỉ feet khối (bcfd) trong tuần này xuống 88,8 bcfd trong tuần tới do thời tiết mát hơn.

Giá vàng tăng trở lại

Giá vàng tăng trở lại sau khi giảm xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce trong đầu phiên giao dịch và sau 1 ngày giảm mạnh nhất trong 7 năm, do số liệu kinh tế ảm đạm làm gia tăng mối lo ngại về sự suy thoái bởi đại dịch virus corona.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,4% lên 1.937,42 USD/ounce, sau khi giảm mạnh 2,5% trong đầu phiên giao dịch. Vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.949 USD/ounce.

Trong phiên trước đó, giá vàng giảm 6,2% – ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2013. Giá bạc giảm 15%, ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.

Mối lo ngại về nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khi nền kinh tế Anh giảm mức kỷ lục 20,4% trong quý 2/2020, đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn cùng với đồng USD suy yếu giảm 0,3%.

Giá đồng tăng

Giá đồng tăng do thị trường chứng khoán tăng, giá dầu tăng và đồng USD suy yếu, song số liệu nhà máy tại châu Âu suy giảm làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu sẽ vẫn yếu và thị trường dư cung.

Giá đồng trên sàn London tăng 0,8% lên 6.436,5 USD/tấn.

Giá đồng đạt mức cao nhất 2 năm (6.633 USD/tấn) trong ngày 13/7/2020, do tiêu thụ của Trung Quốc – thị trường lớn nhất – tăng sau các hạn chế virus corona được nới lỏng và các thương nhân lo ngại dịch bệnh sẽ làm gián đoạn hoạt động khai thác.

Sản lượng công nghiệp khu vực Euro zone trong tháng 6/2020 tăng song vẫn thấp hơn so với dự kiến. Nền kinh tế Anh giảm mức kỷ lục 20,4% trong quý 2/2020.

Giá quặng sắt và thép đều giảm

Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm, do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của nước này dự kiến sẽ được nới lỏng vào cuối tháng này.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,9% xuống 808 CNY (116,27 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm 0,9% xuống 833 CNY/tấn.

Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây giảm 0,6% xuống 3.805 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 0,2% xuống 3.900 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,5% xuống 14.060 CNY/tấn.

Giá cao su giảm phiên thứ 2 liên tiếp

Giá cao su tại Osaka giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do lo ngại về căng thẳng giữa nước mua hàng đầu thế giới – Trung Quốc – và Mỹ gia tăng gây áp lực thị trường, kéo giá cao su tại Thượng Hải giảm.

Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn OSE giảm 3,4 JPY tương đương 1,9% xuống 171 JPY (1,6 USD)/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 85 CNY xuống 12.315 CNY (1.773 USD)/tấn.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn SICOM giảm 0,8% xuống 128,5 US cent/kg.

Giá đường tăng

Giá đường tăng do nhu cầu rủi ro tại các thị trường tài chính lớn được cải thiện, làm lu mờ triển vọng sản lượng tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – tăng.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn ICE tăng 0,1 US cent tương đương 0,8% lên 12,84 US cent/lb, hướng theo mức cao nhất 5 tháng (13 US cent/lb) trong ngày 7/8/2020.

Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 3,3 USD tương đương 0,9% lên 375,2 USD/tấn.

Giá cà phê tăng

Giá cà phê tăng do lo ngại thời tiết khô tại Brazil có thể ảnh hưởng đến triển vọng cây trồng trong niên vụ tới.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn ICE tăng 0,65 US cent tương đương 0,6% lên 1,1425 USD/lb, sau 4 phiên giảm liên tiếp từ mức cao nhất 4,5 tháng (1,3 USD/lb) trong tuần trước đó.

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2020 trên sàn London tăng 5 USD tương đương 0,4% lên 1.342 USD/tấn.

Việt Nam – nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới – xuất khẩu 1,83 triệu bao (60 kg) trong tháng 7/2020, giảm 13,8% so với tháng 6/2020. Trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm

Giá ngô và đậu tương tại Mỹ tăng do hoạt động đẩy mạnh mua vào.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 3-3/4 US cent lên 3,27-1/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 9/2020 tăng 9-1/2 US cent lên 8,83 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 4-3/4 US cent xuống 4,91-1/3 USD/bushel.

Giá dầu cọ giảm phiên thứ 4 liên tiếp

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất 2 tuần, do sản lượng trong tháng 8/2020 tăng cao và theo xu hướng giá dầu thực vật khác suy yếu.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 10 ringgit tương đương 0,38% xuống 2.633 ringgit (627,2 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 29/7/2020.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 13/8

Thị trường ngày 12/8: Giá vàng lao dốc mạnh mất hơn 5%, bạc giảm 13%

Chia sẻ bài viết

Bài viết nổi bật

Không thể sao chép