Truyền thông Trung Quốc ngày 8/4 đưa tin nước này đã sử dụng hệ thống khoan nội địa để khoan sâu xuống Biển Đông.
Theo đó, các nhà khoa học Trung Quốc trên tàu khảo sát biển đã sử dụng hệ thống khoan Sea Bull II để lấy lõi trầm tích dài 231 m, ở độ sâu 2.060 m tại Biển Đông.
Tân Hoa Xã cho hay, hệ thống khoan do Trung Quốc sản xuất có thể giúp khám phá nguồn khí tự nhiên dưới đáy biển – được xem là nguồn năng lượng tiềm năng trong tương lai.
Nguồn tin kể trên không đề cập chính xác nơi Trung Quốc tiến hành khoan ở Biển Đông.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông do các hành động gần đây của Bắc Kinh, bao gồm thông qua luật hải cảnh mới, đưa nhiều tàu neo đậu trái phép tại Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ do tàu USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông hôm 4/4. Tàu sân bay Theodore Roosevelt đã tiến hành tập trận chung với Malaysia trong 2 ngày 6-7/4.
Việc nhóm tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông thu hút sự chú ý, trong bối cảnh Trung Quốc cũng vừa đưa một nhóm gồm 6 tàu chiến tới gần khu vực.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, sau khi băng qua eo biển Miyako hôm 3/4, tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 tàu hộ tống đã di chuyển theo hướng tiến ra Thái Bình Dương. Hải quân Trung Quốc ngày 5/4 thông báo, nhóm tàu sân bay Trung Quốc đã diễn tập ở vùng biển gần đảo Đài Loan.
Được biết, nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island của Mỹ cũng đi qua eo biển Malacca và tiến vào Biển Đông từ cuối ngày 7/4.
Không thể sao chép