Trở lại danh sách tin tức

Việt Nam đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN

Nguồn

Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo (NLTT) trong khu vực ASEAN. Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất nguồn điện NLTT đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500 MW, chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện.

Sáng nay (25/8), tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các đối tác tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020.

Chương trình năm nay hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn đối thoại đa bên để tiếp tục đưa ra các đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, loại bỏ các rào cản, phục hồi và tăng trưởng kinh tế Xanh.

Khai mạc Tuần lễ Năng lượng Xanh năm 2020

Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhân loại với cú sốc Covid-19 khiến cả thế giới lao đao và chịu thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế nhưng đồng thời cũng thôi thúc chuyển đổi đột phá về tư duy và mô hình phát triển thích ứng.

Dịch Covid-19 khiến giá dầu lao dốc, giá than giảm ở mức kỷ lục tại Úc, nhưng NLTT là nguồn duy nhất vẫn tăng trưởng. Đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than dự báo giảm 11% trong khi tính đến năm 2019, công suất điện mặt trời và điện gió đã tăng 15% so với năm 2018.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển NLTT như đề ra Chiến lược phát triển NLTT, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong thời gian tới.

Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất nguồn điện NLTT đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500 MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp. NLTT hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng NLTT trong khu vực ASEAN.

Chia sẻ tại buổi khai mạc Tuần lễ Năng lượng Việt Nam, bà Cecile Leroy, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho hay, EU đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các bộ, ngành của Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng bền vững. Hiện nay EU đã hỗ trợ đối tác năng lượng Việt Nam trong chính sách, kinh nghiệm phát triển năng lượng; hợp tác cùng các tổ chức để tăng cường năng lực, nhận thức, cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng của người dân Việt Nam.

Chuỗi các sự kiện trong Tuần lễ Năng lượng tái tạo được mở đầu với tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ”. Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu tham gia cùng nhìn lại quá trình phát triển và những lợi ích thiết thực của chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà đã mang lại cho xã hội trong thời gian qua.

Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phát biểu tại tọa đàm

Cơ chế giá khuyến khích đã giúp Việt Nam đạt được 1.000 MW điện mặt trời mái nhà chỉ trong vòng 2 năm qua, đồng thời đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần làm cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn quá nhỏ bé so với tiềm năng kỹ thuật vô cùng lớn ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MW của điện mặt trời mái nhà. Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn nên dẫn đến tâm lý lo ngại và chần chừ. Và vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính và sáng kiến giải pháp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tương xứng với tiềm năng. Tất cả sẽ được giải đáp tại tọa đàm mở đầu này.

Bên cạnh kỳ tích dẫn đầu Đông Nam Á về công suất điện mặt trời, trong thời gian qua, việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời trang trại đã gây nên một vấn đề xã hội mới đó là xung đột về sử dụng đất. Tại một số địa phương, đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng để làm trang trại điện mặt trời. Điều này dẫn tới mâu thuẫn và xung đột giữa chủ đầu tư và người dân địa phương. Phát triển ồ ạt các trang trại mặt trời đơn mục tiêu sẽ không còn phù hợp trong điều kiện mới của Việt Nam.

Thách thức này đòi hỏi cần tìm hướng đi mới. Thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời nổi là hai giải pháp đã được thử nghiệm và có khả năng giải quyết các xung đột sử dụng đất mà vẫn đảm bảo phát triển NLTT. Tiềm năng và lợi ích của các mô hình này cụ thể thế nào? Tính khả thi về công nghệ, về tài chính ra sao? Các điểm nghẽn và giải pháp là gì? Tất cả sẽ có trong tọa đàm thứ hai chủ đề “Chuyển dịch năng lượng công bằng qua thúc đẩy phát triển các giải pháp điện mặt trời kết hợp nông nghiệp và điện mặt trời nổi”.

Chuyển dịch năng lượng sạch đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nghị quyết 55/BCT của Bộ Chính trị ban hành tháng 2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bước đột phá về tư tưởng, định hình con đường phát triển sạch cho ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai. Nắm bắt cơ hội và phát huy tiềm năng nắng gió dồi dào, nhiều địa phương trong cả nước đã chủ động đẩy mạnh phát triển NLTT để chuyển dịch.

Nhiều tiềm năng phát triển cho điện mặt trời áp mái tại Việt Nam

Với ví dụ điển hình là tỉnh Bạc Liêu, từ một tỉnh nghèo giờ đây đã trở thành trung tâm năng lượng sạch, NLTT của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào tháng 7/2020. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này mới chỉ là bước đầu và đang diễn ra cục bộ ở một số nơi, bài học kinh nghiệm chưa được tổng kết và chia sẻ để thúc đẩy chuyển dịch chung ở cấp quốc gia.

Để bước chuyển dịch này mạnh mẽ và bền vững hơn, mang lại lợi ích cho cộng đồng trên cả nước thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần tăng cường sự hợp tác và phối hợp giữa các địa phương để cùng đồng hành phát triển và tạo nên hệ sinh thái NLTT quốc gia. Đồng thời cũng cần có những chính sách, điều kiện phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch này. Câu chuyện thú vị này sẽ được kể tại tọa đàm “Chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế toàn cầu và hành động địa phương” trong buổi sáng ngày 28/8/2020.

Tọa đàm cuối cùng với tiêu đề “Phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam: Những đột phá kỳ vọng” được thiết kế để các bên liên quan thảo luận về các đề xuất kiến nghị gửi tới các kiến trúc sư của Quy hoạch điện VIII và các nhà hoạch định chính sách phát triển năng lượng quốc gia. Các đề xuất được tổng hợp từ các phiên thảo luận trước đó từ các địa phương, các đề xuất về chính sách dài hạn cho điện mặt trời mái nhà, phát triển kết hợp đa mục tiêu năng lượng mặt trời để hướng tới chuyển dịch năng lượng sạch đảm bảo công bằng và bền vững.

Đặc biệt, những sáng kiến gợi mở và đề xuất hướng tới đột phá trong các lĩnh vực quản lý nhu cầu, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiếp cận tài chính và thị trường điện cạnh tranh, tăng độ linh hoạt của hệ thống điện thông qua hệ thống tích trữ, khai thác tiềm năng năng lượng mới trên biển và bài học xây dựng chuỗi giá trị nội địa về NLTT cũng sẽ được các chuyên gia đưa tới diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – Cơ quan điều phối VSEA cho hay, đây là lần thứ 5 chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam được tổ chức bởi người Việt Nam, cho mọi công dân ở Việt Nam.

“Chúng tôi rất vui và tự hào vì được chung tay với các đối tác tạo nên diễn đàn đồng hành cùng quá trình chuyển dịch năng lượng sạch của quốc gia. Chúng tôi mang tới diễn đàn này thông tin cập nhật, các sáng kiến và những câu chuyện thực tiễn truyền cảm hứng về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới và ở Việt Nam” – bà Khanh nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết

Không thể sao chép