Source
Các hạn chế chống dịch ảnh hưởng đến ngành dầu khí trong năm 2021, nhưng tình hình thăm dò và khai thác khả quan có thể giúp xuất khẩu năm 2022 hồi phục mạnh.
Xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2021, do giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển trên toàn quốc cản trở hoạt động của các kho và cảng dầu quan trọng trong năm. Tuy nhiên, tình hình hoạt động thượng nguồn (bao gồm thăm dò và khai thác) khả quan có thể giúp sản lượng dầu ngọt và khí ga ngưng tụ phục hồi mạnh trong năm 2022, theo các chuyên gia trong ngành.
Việt Nam xuất khẩu 218.111 tấn dầu thô, tương đương 51.573 thùng/ngày, trong tháng 12, giảm 17% so với một năm trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Trong cả năm 2021, xuất khẩu giảm 32,8% xuống 3,13 triệu tấn.
Thái Lan, Australia và Trung Quốc là những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Việt Nam trong năm ngoái.
Xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm 32,8% xuống 3,13 triệu tấn
Sự thiếu hụt nhân lực tại các cảng xuất khẩu quan trọng và văn phòng điều hành thương mại do một loạt các biện pháp hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội nghiêm ngặt dẫn đến doanh số dầu thô xuất khẩu giảm mạnh trong năm 2021, theo một giám đốc tiếp thị và kinh doanh tại PetroVietnam.
“Tuy nhiên, đầu tư và hoạt động thượng nguồn của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì và doanh số bán dầu thô của đất nước có thể sẽ tăng trở lại vào năm 2022 do nhiều nhà máy lọc dầu châu Á muốn mua hàng thô ngọt giao ngay trong khu vực trong thời điểm OPEC và tình hình nguồn cung toàn cầu thắt chặt”, nguồn tin này cho biết.
PetroVietnam cho biết sản lượng dầu thô của công ty trong năm ngoái là 10,97 triệu tấn, tăng 1,25 triệu tấn so với mục tiêu ban đầu của công ty.
Tận dụng tình hình sản xuất lạc quan và các rào cản logistic được nới lỏng trong những tuần gần đây, đơn vị kinh doanh của PetroVietnam PV Oil tích cực bán dầu giao ngay đầu năm nay.
PV Oil bán được 300.000 thùng dầu thô Bunga Orkid ngọt vừa vận chuyển vào tháng 2 cho một nhà lọc dầu ở Đông Bắc Á với giá tốt. Công ty cũng được cho là bán thành công 250.000 thùng dầu thô Thăng Long vận chuyển vào ngày 6/10-3 cho một nhà bán buôn phương Tây.
Trong khi đó, liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro cũng công bố sản lượng ước tính được 3,16 triệu tấn dầu thô và khí ngưng tụ trong năm 2021, vượt mục tiêu khoảng 165.000 tấn.
Vietsovpetro cho biết đã tiến hành ít nhất 4 đợt thăm dò và đánh giá lô 09-1 vào năm 2021, nơi có mỏ dầu Bạch Hổ, bổ sung thêm trữ lượng 2,2 triệu tấn dầu. Liên doanh này cũng cho biết đã phát hiện một số vỉa dầu và khí có giá trị công nghiệp khi khoan tại lô 16-1/15 ở bể Cửu Long vào đầu năm 2021.
Năm 2022, công ty có kế hoạch sản xuất tối thiểu 2,9 triệu tấn dầu thô và khí ngưng tụ, bao gồm 2,8 triệu tấn từ lô 09-1.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 1,098 triệu tấn dầu thô trong tháng 12/2021, tăng 13,96% so với một năm trước đó với hầu hết các lô hàng đến từ Kuwait.
Năm 2021, đất nước nhập khẩu 9,94 triệu tấn dầu thô, thấp hơn 15,4% so với năm trước, theo số liệu hải quan. Trong đó, nhập khẩu từ Kuwait giảm 8,8% trong năm 2021 xuống 8,76 triệu tấn. Các thùng dầu Kuwait dành cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có công suất 200.000 thùng/ngày.
PetroVietnam có 25,1% cổ phần tại Nghi Sơn, phần còn lại thuộc về Kuwait Petroleum International (35,1%), Idemitsu Kosan của Nhật Bản (35,1%) và Mitsui Chemicals cũng của Nhật Bản (4,7%).